TP. Hồ Chí Minh đẩy mạnh hợp tác quốc tế để xây dựng thành phố thông minh

Ngày 27/9, Ban quản lý Khu công nghệ cao TP. Hồ Chí Minh (SHTP) phối hợp cùng Tổ chức MEMS JSPE (Nhật Bản) tổ chức Hội nghị quốc tế lần thứ nhất về MEMS (hệ thống vi cơ điện tử) và hệ thống cảm biến với chủ đề “MEMS/IoT cho thành phố thông minh”.
 

Hội nghị quy tụ nhiều diễn giả trong nước và quốc tế đến từ các quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới như Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia, Pháp… Với chủ đề “MEMS/IoT (Internet of Thing – kết nối vạn vật) cho thành phố thông minh”, các chuyên gia đầu ngành trên thế giới đã trình bày, chia sẻ kinh nghiệm về ứng dụng MEMS để xây dựng thành phố thông minh và các công nghệ mới liên quan trong lĩnh vực này. Trong đó, điển hình là các báo cáo liên quan đến việc ứng dụng hệ thống cảm biến trong kiểm soát về giao thông tại Nhật Bản; tích hợp lưu trữ năng lượng cho IoT của Australia; phương pháp thiết kế các chi tiết cho việc quang khắc bằng kỹ thuật in nano ở Nhật Bản… Theo chủ trương của thành phố, việc hợp tác quốc tế sẽ được thúc đẩy mạnh trong lĩnh vực MEMS để có thể tiếp nhận nhanh những thành tựu mới phù hợp với điều kiện thành phố để áp dụng chứ không chỉ tự nghiên cứu và phát triển.

Để triển khai xây dựng thành phố thông minh, thành phố sẽ lựa chọn ứng dụng từ nhiều quốc gia trên thế giới, học hỏi kinh nghiệm, tham chiếu… Hiện Trung tâm nghiên cứu của SHPT đang hoàn thiện ứng dụng trên điện thoại và website cảnh báo các điểm ngập nước. Dự kiến vào cuối tháng 10/2017 các hệ thống này sẽ vận hành. Người dân có thể tải ứng dụng về điện thoại hoặc có thể truy cập vào website để biết được tình hình ngập nước và phòng tránh. Ngoài ra, trung tâm cũng triển khai quan trắc môi trường nước thải trong khu công nghệ cao, với giải pháp đồng bộ gồm phần mềm (tự viết), thiết bị cảm biến và thiết bị thu nhận, lưu trữ dữ liệu. Kết quả quan trắc sẽ được phản hồi bằng nhiều kênh truyền thông khác nhau tới người sử dụng…

Hiện nay, UBND TP. Hồ Chí Minh cũng đã giao SHTP thực hiện “Chương trình phát triển công nghiệp vi mạch TP. Hồ Chí Minh giai đoạn 2017-2020, tầm nhìn 2030”. Chương trình sẽ tập trung đào tạo nguồn nhân lực MEMS; tiếp nhận những ứng dụng tiến bộ kỹ thuật trong lĩnh vực MEMS trên thế giới để triển khai, tạo ra những sản phẩm trong nước, phục vụ xây dựng thành phố thông minh. Đồng thời, tăng cường hợp tác quốc tế để lĩnh vực MEMS trong nước được tiếp cận và phát triển nhanh, rút ngắn thời gian nghiên cứu.

Nguồn:   http://baocongthuong.com.vn/tp-ho-chi-minh-day-manh-hop-tac-quoc-te-de-xay-dung-thanh-pho-thong-minh.html

text ?>